Việc ứng dụng chế phẩm sinh học vào trong quy trình nuôi cá nước ngọt vừa giúp cá mau lớn, ít bệnh mà còn giảm thiểu vấn đề ô nhiễm ao nuôi
Việc ứng dụng chế phẩm sinh học vào trong nuôi cá đem lại nhiều lợi ích quan trọng:
– Tăng cường hệ vi sinh vật có ích phát triển, ức chế các chủng vi sinh vật gây hại cho cá và môi trường ao nuôi
– Hạn chế tối đa các nguồn phát sinh khí độc như H2S, CH4, CO2, NH3…
– Bổ sung nguồn dinh dưỡng cho môi trường ao nuôi, hạn chế các loại bệnh, tăng sức đê kháng cho cá…
1. Quy trình chuẩn bị nuôi cá nước ngọt
1.1 Chuẩn bị ao nuôi
– Diện tích ao nuôi thích hợp: 500 – 2000m2
– Mực nước sâu: 1,5 – 1,8m
– Có nguồn nước sạch, có cống thoát nước, đáy ao nghiêng về phía cống thoát nước.
– Ao không bị cớm rợ bờ, đáy phẳng, hơi dốc về phía cống thoát nước.
– Trước khi nuôi cần tháo cạn nước, phát quang bờ ao nuôi, vét lớp bùn đáy chỉ để khoảng 20 – 25cm.
– Khử trùng ao nuôi bằng vôi bột: Vôi bột được rắc đều và bừa trộn đều với bùn đáy ao với lượng 10 – 20kg/100m2 đáy ao.
– Bón lót các loại phân chuồng (30 – 50kg/100m2), phân lân, phân xanh (20 – 30kg/100m2) để tạo môi trường nuôi thích hợp.
– Xử lý Chế phẩm VƯỜN SINH THÁI: Sau 1 tuần khử trùng ao nuôi bằng vôi bột, bón lót các loại phân…dùng 100ml Chế phẩm pha với 40 – 50 lít nước phun trực tiếp cho 400 – 500m2 đáy ao nuôi sau 3 – 5 ngày mới tháo nước vào ao, sau khi tháo nước vào ao được 7 – 10 ngày mới thả cá giống, mục đích là để các hệ vi sinh vật hữu ích trong nước phát triển, màu nước dần sẽ ngả màu xanh nõn chuối hoặc xanh lục.
(Tỷ lệ xử lý Chế phẩm/Nước = 1 : 500 là tốt nhất).
1.2 Chọn thả cá giống
– Chọn loài cá nuôi phù hợp với điều kiện môi trường ao nuôi và khả năng chăm sóc.
– Nên thả ghép các loại cá để tận dụng lượng thức ăn.
– Cá giống phải khỏe mạnh, không xây sát, dị hình, không có dấu hiệu bệnh lý, kích cỡ chiều dài thân cá đạt từ 6m trở lên.
– Mật độ thả: 1,5 – 3 con/m2, thả cá vào lúc trời mát. Khi nhận cá giống từ túi có bơm Oxy phải ngâm túi xuống ao, khi mở túi cá ra phải thêm một phần nước ao vào rồi từ từ thả cá ra để tránh cá bị sốc.
2. Quy trình sử dụng Chế phẩm VƯỜN SINH THÁI cho cá
2.1 Quy trình sử dụng Chế phẩm VƯỜN SINH THÁI cho cá ăn
*Nếu cho cá ăn thức ăn xanh (cỏ lá các loại), lượng thức ăn cần dùng mỗi ngày bằng 25 – 30% tổng khối lượng cá ước tính trong ao:
Dùng 5ml Chế phẩm VƯỜN SINH THÁI pha với 3 – 5 lít nước phun trực tiếp lên cỏ lá để 15 phút rồi thả xuống ao (lưu ý cỏ sau khi thu hoạch về loại bỏ các tạp chất để hơi héo sau đó mới phun chế phẩm).
*Nếu cho cá ăn thức ăn tinh (Cám hỗn hợp CN, cám gạo, bột ngô, bột sắn…), lượng thức ăn cần dùng mỗi ngày bằng 2 – 3 % tổng khối lượng cá trong ao:
Dùng 5ml Chế phẩm VƯỜN SINH THÁI hòa với một ít nước trộn với 4 – 5kg thức ăn tinh, để 15 phút rồi thả xuống ao cho cá ăn.
2.2 Xử lý môi trường nuôi
Kỹ thuật chống ô nhiễm hữu cơ, bổ sung dinh dưỡng và hạn chế nguồn bệnh dịch trong môi trường nuôi
Quản lý độ trong:
Độ trong của nước nuôi thủy sản chủ yếu phụ thuộc vào mật độ của sinh vật phù du có trong ao.
Khi độ trong quá thấp, thường do tảo phù du phát triển quá dày, làm các chỉ số pH, DO biến động rất lớn gây sốc cho thủy sản nuôi trong ao.
Ngược lại khi độ trong cao, hàm lượng ôxy thường thấp và tảo đáy có nguy cơ bùng phát mạnh, cạnh tranh không gian hoạt động và ôxy về ban đêm, gây sốc cho tôm cá.
Độ trong của nước ao tốt nhất là 30 – 40cm.
Gây màu nước tăng thức ăn tự nhiên cho cá:
Dùng 100 ml Chế phẩm VƯỜN SINH THÁI (loại chuyên dùng cho thủy hải sản) pha với 40 – 50 lít nước sạch đã pha thêm 1kg mật rỉ đường để 1 – 2 giờ rồi té đều trên mặt ao định kỳ 30 – 45 ngày/lần
Một số chú ý khi sử dụng Chế phẩm VƯỜN SINH THÁI:
– Nồng độ pha như trên áp dụng cho 600m3 ao.
– Khi pha nên pha đường và nước trước và khuấy đều cho tan đường sau đó mới pha chế phẩm.
– Khi té dung dịch đã pha xuống mặt ao phải té đều và trước khi té phải dọn sạch các hệ thực vật sinh sống ở mặt ao, tạo thông thoáng và điều kiện thuận lợi cho các hệ vi sinh vật có ích phát triển.